Mặc dù chất béo nằm gần đỉnh tháp dinh dưỡng, nhưng việc cung cấp đủ lượng chất béo cho cơ thể là rất quan trọng. Chất béo giúp cơ thể hấp thu một số vitamin có lợi như A, E, D, K.
Bạn có thể sử dụng dầu thực vật như dầu dừa, dầu ô-liu, dầu nành,… trong việc chiên xào nấu hàng ngày để hạn chế việc hấp thu các chất béo không tốt cho cơ thể.
1. Dầu dừa
Dừa được trồng ở nhiều nước như Việt Nam, Philippines, Thái Lan và 1 số nước Châu Á khác, từ lâu người dân ở đây đã biết cách chiết xuất và sử dụng dầu từ dừa.
Được chiết xuất từ cơm dừa (cùi dừa), dầu dừa có thể dùng cho nhiều mục đích.
Trong nhà bếp. sẽ tốt hơn nếu bạn dùng nó để nấu nướng ở nhiệt độ trung bình.
Trong dầu dừa có chứa rất nhiều chất béo, những các chất béo này lại giúp ta giảm thiểu những rủi ro về bệnh tim mạch vì nó có thể thúc đẩy chuyển hóa Cholesterol từ có hại sang có lợi.
Ngoài ra dầu dừa còn được dùng để làm đẹp.
2. Dầu ô liu
Những tác dụng tích cực của dầu ô liu đối với sức khỏe là điều không thể phủ nhận.
Dầu ô liu được ép từ quả ô liu nên có chất lượng cao về dinh dưỡng và khẩu vị, nó thích hợp với các món salad, mì ống,…
Dầu ô liu sẽ mất nhiều hương vị nếu gặp nhiệt độ cao, vì thế hãy lưu trữ nó trong ngăn mát của tủ lạnh, bạn có thể sử dụng dầu trong vòng 6 tháng sau khi mở nắp.
Dầu ô liu còn có khả năng chống táo bón, thích hợp với người ít vận động và bị stress.
3. Dầu phộng (dầu lạc)
Ngày nay, đậu phộng là loại cây trồng thương mại ở Ấn Độ, các quốc gia Châu Phi, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sản lượng dầu phộng từ các quốc gia này cũng chiếm thị phần rất lớn trên thế giới.
Chế độ ăn uống chứa dầu phộng rất hiệu quả trong việc phòng chống bệnh tim mạch.
Đây là loại dầu thích hợp cho việc chiên, nướng, xào, nấu lâu vì tính chịu nhiệt cao (có thể lên đến 220°C). Hơn nữa, dầu phộng còn được ưa chuộng vì có mùi vị dễ chịu, thích hợp cho cả món mặn và ngọt.
4. Dầu mè (dầu vừng)
Chủ yếu được sản xuất tại các nước Châu Phi và Châu Á, dầu mè sản xuất từ những hạt mè (hạt vừng) đã rang chín, có mùi thơm nồng đặc trưng và màu hổ phách ấm ám. Nó là lựa chọn hàng đầu cho các món hầm, ướp và chế biến hải sản.
Các dưỡng chất có trong dầu mè giúp giảm bớt các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, táo bón và hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra dầu mè còn giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi mang lại cảm giác thư thái hệ thần kinh.
Khi sử dụng dầu mè bạn cần lưu ý nhiệt độ, tốt nhất nên cho thêm dầu mè khi đã hoàn tất quá trình nấu nướng.
Dầu mè trắng thường dùng để trộn salad hay thêm vào nước sốt, còn với dầu mè đen do có mùi mạnh hơn nên rất hợp khi bạn cần thêm hương vị cho món ăn.
5. Dầu hướng dương
Là một loại dầu ăn chứa cả chất béo không bão hòa và không bão hòa đơn, dầu hướng dương thường được dùng để nấu hay chiên xào.
Do không chịu được nhiệt độ quá cao, bạn chỉ nên dùng nó ở những công thức nấu ăn nhanh để không làm mất đi sự thơm ngon cũng như dinh dưỡng của món ăn.
Ngoài ra trong dầu hướng dương còn chứa rất nhiều Vitamin E cần thiết cho cơ thể giúp trái tim khỏe mạnh.